6 LOẠI TRÀ TỐT CHO TUỔI THỌ MÀ BẠN NÊN BIẾT
Trà xanh, olong, hoa cúc chứa các chất hoạt tính sinh học, chất chống oxy hóa tốt cho sức khỏe tổng thể, hỗ trợ phòng bệnh, sống lâu hơn. Vậy hôm nay hãy cùng Trà Việt Thiên tìm hiểu về những loại trà tốt cho sức khỏe nhé!
Công dụng của các loại trà đối với sức khỏe
Ngoài tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể, uống trà còn hỗ trợ chức năng tiêu hóa, tim mạch, hô hấp. Chúng chứa các hợp chất hoạt tính sinh học, bao gồm axit amin, caffeine, lignin, protein, xanthine và flavonoid đều có tác động tích cực đến sức khỏe.
Thành phần flavan-3-ols có trong trà có thể cải thiện huyết áp, mức cholesterol và lượng đường trong máu. Nhờ đó, nó hỗ trợ ngăn ngừa bệnh tiểu đường, tim mạch và một số rối loạn chuyển hóa khác. Ngoài tác dụng phòng bệnh, một số loại trà thảo dược còn hỗ trợ điều trị bệnh để tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ. Dưới đây là 7 loại trà tốt.
Trà olong
Trà ô long được làm từ cùng loại lá trà giống như trà đen và trà xanh. Chúng chứa một hợp chất gọi là EGCG có đặc tính chống ung thư. Tuy nhiên, cách chế biến của những loại trà này khác nhau. Trà đen được cho lên men hoàn toàn rồi sấy khô. Trà xanh là trà tươi không cho lên men. Trong khi đó, trà ô long được lên men nửa chừng.
Ngoài mua gói trà về pha, bạn có thể mua sản phẩm trà ô long đóng chai tại các cửa hàng, siêu thị nhưng cần chú ý thành phần dinh dưỡng.
Trà nghệ
Nghệ có hương vị đặc trưng, là nguyên liệu phổ biến cho các món ăn, đem đến nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Lợi ích này phần lớn nhờ vào curcumin - hợp chất tự nhiên có hoạt tính sinh học cao trong củ nghệ. Curcumin có đặc tính chống viêm, hỗ trợ chống ung thư và phòng ngừa một số bệnh.
Trà xanh
Viện quốc gia Ohsaki, Nhật Bản nghiên cứu tác dụng của trà xanh trong việc giảm nguy cơ tử vong. 40.530 người 40-79 tuổi tham gia không có tiền sử đột quỵ, bệnh tim mạch vành hoặc ung thư, uống trà xanh mỗi ngày. Sau 11 năm theo dõi và đánh giá, những người uống hơn hai tách trà xanh mỗi ngày giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch 22-33% so với người uống ít hơn nửa cốc mỗi ngày.
Ngoài giảm nguy cơ ung thư, trà xanh còn biết đến với công dụng hỗ trợ chức năng não, cải thiện độ đàn hồi của da để ngăn chặn tình trạng chảy xệ và duy trì sự tươi trẻ. Các lợi ích của trà xanh là nhờ chất chống oxy hóa và chống viêm catechin. Chất này cũng có liên quan đến thúc đẩy quá trình lão hóa khỏe mạnh.
Trà đen
Đây là một loại trà cổ điển, có thể giúp bạn sống khỏe và lâu hơn nhờ hỗ trợ sức khỏe tim mạch, giảm các vấn đề tim tiềm ẩn. Do được chế biến bằng cách lên men hoàn toàn nên chúng có hương vị đậm đà và chứa nhiều caffeine hơn trà xanh.
Nên thưởng thức trà này cách xa bữa ăn, không quá gần giờ đi ngủ vì caffeine có thể khiến cơ thể tỉnh táo và mất khoảng 3-5 giờ đào thải hết khỏi cơ thể.
Trà dâm bụt
Mặc dù trà dâm bụt không chứa các hợp chất thực vật giống như trà xanh, đen, ô long nhưng có thể mang lại những lợi ích sức khỏe nhờ các hợp chất tự nhiên. Uống loại trà này mỗi ngày có thể giảm huyết áp, chống virus, kiểm soát cholesterol bằng cách giảm mức cholesterol xấu và chất béo trung tính.
Trà hoa cúc
Năm 2015, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Texas Mỹ đã nghiên cứu tác dụng của trà hoa cúc trên 1.670 phụ nữ trên 65 tuổi. 14% số người trong nghiên cứu có thói quen uống trà hoa cúc. Sau 7 năm theo dõi, người uống trà hoa cúc có thể giảm 29% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân so với những người không uống.
Uống trà không đúng cách gây hại cho hệ tiêu hóa
Uống quá nhiều trà, uống vào lúc đói có thể ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa, gây buồn nôn, tiêu chảy, ợ nóng.
Trà là đồ uống được yêu thích trên thế giới. Trong trà, nhất là trà khô, chứa hàng trăm hợp chất polyphenol. Các hợp chất chống oxy hóa này giúp trung hòa các phân tử oxy có hại trong cơ thể (các gốc tự do) có liên quan đến ung thư, bệnh tim, bệnh đái tháo đường, giảm nếp nhăn.
Tiến sĩ Vũ Thị Thanh, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, trong trà còn có chất caffein giúp tinh thần sảng khoái, chất phenol hỗ trợ giải độc gan và quá trình tiêu hóa thức ăn, tăng cường miễn dịch. Tuy có nhiều lợi ích nhưng thói quen uống trà không đúng cách có thể gây hại.
Buồn nôn
Một số hợp chất trong lá trà có thể gây buồn nôn, nhất là khi uống với lượng lớn hoặc uống khi bụng đói. Tanin có nhiều trong lá trà tạo vị đắng, khô; có thể gây kích ứng mô tiêu hóa dẫn đến các triệu chứng khó chịu như buồn nôn hoặc đau dạ dày.
Nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng khó chịu nào sau khi uống trà thì nên cân nhắc giảm lượng phù hợp. Bạn cũng có thể thử thêm một ít sữa hoặc ăn ít thức ăn cùng với trà. Tanin có thể liên kết với protein và carb trong thực phẩm giúp giảm thiểu kích ứng tiêu hóa.
Ợ nóng, ợ chua
Caffeine trong trà gây chứng ợ nóng, ợ chua hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng trào ngược axit từ trước. Caffeine làm mất độ cân bằng dịch dạ dày, tăng nồng độ axit làm giãn cơ vòng ngăn cách thực quản với dạ dày, cho phép các chất có tính axit trong dạ dày dễ dàng chảy vào thực quản, góp phần tăng tổng lượng axit trong dạ dày.
Đầy bụng, khó tiêu
Thức uống này có khả năng sinh hơi trong hệ thống đường tiêu hóa, đồng thời lợi tiểu, khi uống nhiều làm cho đi tiểu liên tục, gây mất nước. Chất tannin còn kích thích dạ dày tiết nhiều axit. Uống trà khi đói bụng dẫn đến tăng tiết dịch axit làm tổn thương hệ thống tiêu hóa, tăng nguy cơ viêm loét dạ dày tá tràng. Polyphenol và các hợp chất có tính kiềm trong trà ức chế quá trình phân giải chất dinh dưỡng trong thức ăn. Nếu uống ngay sau bữa ăn có thể dẫn đến đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa.
Tiêu chảy
Uống trà với lượng vừa phải có thể hạn chế các tác dụng phụ, tăng lợi ích cho sức khỏe như góp phần chống viêm, chống béo phì, hỗ trợ ngăn ngừa ung thư, cải thiện sức khỏe của xương. Song, nếu dùng với lượng lớn một số loại như trà đen, trà xanh có lượng caffeine dồi dào có thể dẫn đến tiêu chảy, khó ngủ, căng thẳng, chóng mặt...
Táo bón
Theophylline - một chất hóa học trong trà có thể dẫn tới tác dụng khử nước làm cho phân rắn lại gây ra táo bón. Những người ăn nhiều thực phẩm chứa dầu, mỡ, đạm nếu uống trà có thể táo bón do khó tiêu. Nhiều người cho rằng dùng thức uống này vào buổi sáng dễ đại tiện. Tuy nhiên, uống quá nhiều có thể gây táo bón.
Tanin có trong trà kết hợp protein trong thực phẩm tạo các chất cặn khó tiêu, kết tủa và tạo sỏi thận. Chất này còn phản ứng với các khoáng chất trong thức ăn như sắt, magie, kẽm... tạo ra các axit gây hại cho dạ dày.
Giảm hấp thu sắt
Chất tanin cản trở sự hấp thụ sắt từ thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Thiếu sắt có thể gây thiếu máu, cản trở tuần hoàn máu và hoạt động của não bộ, làm giảm tổng hợp năng lượng trong tế bào. Dùng trà đặc ngay sau khi ăn trong một thời gian dài khiến cơ thể thiếu hụt sắt. Đây là nguyên nhân dẫn đến da xanh tái, chóng mặt, mệt mỏi... Nếu bạn có lượng sắt thấp nhưng vẫn thích uống trà thì nên cân nhắc giữa các bữa ăn.
Theo Tiến sĩ Vũ Thanh, caffeine trong trà có tác dụng lợi tiểu gây mất nước, rối loạn giấc ngủ vì chứa chất caffeine, theobromine, theophylline, L-threonine kích thích não bộ, tăng nguy cơ sảy thai, mắc bệnh tim mạch, ung thư tiền liệt tuyến. Có nhiều thói quen uống trà không lành mạnh cần tránh như pha trà bằng cốc giữ nhiệt, pha trong thời gian quá lâu, sử dụng bã chè hay nghiện trà đặc...