GIẢI PHÁP NÀO GIÚP NÂNG TẦM NÔNG SẢN VIỆT
Để nông sản Việt vươn xa, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp đã cùng nhau đi tìm những giải pháp để giải quyết bài toán khó này. Với tình hình hiện tại, sản xuất manh mún nhỏ lẻ rất khó thực hiện việc cơ giới nông nghiệp, chất lượng sản phẩm nông nghiệp thấp, rất khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực,... là những vấn đề đã được nêu ra trong nhiều cuộc hội thảo chuyên ngành.
Xây dựng chiến lược về phát triển nông nghiệp
Theo PGS. TS. Võ Thành Danh thì Đồng bằng sông Cửu Long nói chung được thiên nhiên ban tặng đất đai màu mỡ, rất thuận lợi trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị nông sản.
Tuy nhiên, thực tế sản xuất nông nghiệp ở đây có hàm lượng chất xám chưa nhiều, còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nước sông Mekong. Nông dân - người trực tiếp sản xuất nông nghiệp - có chuyên môn không cao, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; chưa có nền nông nghiệp hàng hóa; công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản phát triển nhanh nhưng công nghệ chưa hiện đại; phần lớn xuất khẩu nông sản thô, nông sản giá trị gia tăng chưa nhiều, hệ thống logistics chưa phát triển kịp yêu cầu; thiếu những công ty lớn đặt bản doanh tại vùng này...
Về cung - cầu của thị trường nông sản, thì quy mô sản xuất vẫn còn "tự nhiên" là chính; thị trường nội địa bão hòa, thị trường quốc tế chưa nhiều do tiêu chuẩn nông sản còn thấp; liên kết cung - cầu còn yếu… dẫn đến kênh phân phối chưa phát triển.
Để nâng cao giá trị nông sản Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới, các chuyên gia đưa ra nhận định rằng: cần phải có chiến lược về phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển sang mô hình kinh tế nông nghiệp (kinh doanh nông nghiệp), xây dựng ngành công nghiệp giống hiện đại; hình thành các mô hình sản xuất theo chuỗi cung ứng với công ty là hạt nhân và nông dân là các "vệ tinh”.
Ngoài ra, xúc tiến thị trường cho các thị trường bậc cao tiềm năng; củng cố liên kết ngang về phát triển hệ thống hợp tác xã, liên kết giữa các công ty… Đồng thời cần phải đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng và tận dụng hết các giá trị của nông sản.
Ở góc độ doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần định vị mục tiêu phát triển trong bối cảnh mới cần định hướng phát triển bền vững đã được Chính phủ lồng ghép xuyên suốt trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nhấn mạnh việc huy động hiệu quả nguồn lực cho phát triển bền vững.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia chuỗi giá trị "Nâng tầm giá trị Nông sản Việt", Nhà nước còn cần tập trung tìm kiếm các giải pháp, nhằm giúp nâng cao năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa về năng lực kỹ thuật và tính bền vững của Hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia về chất lượng được nâng cao; năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và các quy định kỹ thuật của các doanh nghiệp nhỏ và vừa; thói quen đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh đó, nền nông nghiệp cần những chính sách mới hỗ trợ việc chuyển đổi để có thể chống chịu tốt hơn với các khó khăn, vượt qua các khủng hoảng nhanh hơn như: chính sách tập trung ruộng đất, chính sách hỗ trợ các nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp, chính sách bình ổn giá các vật tư đầu vào và sản phẩm đầu ra trong nông nghiệp, chính sách đào tạo nâng cao nhận thức cho lực lượng sản xuất và chính sách về sử dụng nước trong lưu vực.
Bàn giải pháp nâng tầm giá trị nông sản Việt
Hiện tại, các hợp tác xã chính là cầu nối quan trọng trong liên kết sản xuất - thu mua - chế biến và xuất khẩu nông sản, hợp tác xã sẽ giúp tăng quy mô sản xuất hàng hóa, thuận lợi trong áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến như cơ giới hóa đồng bộ để giảm chi phí, đảm bảo chất lượng và số lượng. Đồng thời còn tạo ra khối lượng hàng hóa lớn theo chuỗi liên kết, thuận lợi trong việc xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu nông sản, trên hết giúp nâng cao chuỗi giá trị nông sản và cuối cùng là nâng cao thu nhập cho nông dân. Vì vậy, việc thành lập các hợp tác xã là nhiệm vụ cấp thiết.
Nhà nước hiện tại đang khuyến khích các hộ nông dân nhỏ lẻ nên tham gia vào các hợp tác xã để có thể đảm bảo về nguồn thu sản phẩm, giá cả cũng như sản lượng sản xuất. Nhận thấy được lợi ích quan trọng, Ban chỉ đạo quốc gia về xây dựng nông thôn mới quyết định giữ tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất. Trong đó, phải thành lập các hợp tác xã để đứng ra giữ vai trò đầu mối liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản cho nông dân. Từ đó, mới có thể nâng cao được năng suất chất lượng và nâng cao thu nhập của người nông dân theo các tiêu chí nông thôn mới khác.
Những chuyên gia cũng chỉ ra rằng, những hội thảo cũng là nhịp cầu để nông dân gặp gỡ, giao lưu với các nhà khoa học, các doanh nghiệp và nhà quản lý về kinh nghiệm, tư vấn, chuyển giao công nghệ hiện đại, ứng dụng trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông sản; làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn, đề xuất và luận giải cơ sở khoa học của các định hướng, quan điểm, giải pháp trong nông nghiệp. Từ đó, tạo bước chuyển mới, góp phần nâng tầm giá trị nông sản, phát triển nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng bền vững, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nông dân.
Nguồn: congthuong.vn