VĂN HÓA CÀ PHÊ VIỆT NAM CÓ PHẢI BẮT NGUỒN TỪ PHÁP?
Văn hóa cà phê Việt Nam là một nét đẹp truyền thống được nhiều người con đất Việt tự hào. Thế nhưng, có phải văn hóa cà phê Việt Nam bắt nguồn từ Pháp? Hãy cùng ZeMor Coffee tìm hiểu qua bài viết này nhé!.
Văn hóa cà phê Việt Nam gần gũi như thế nào?
Việt Nam có cách thưởng thức cà phê rất riêng, khiến du khách thế giới phải tò mò, muốn tìm hiểu nhiều hơn. Mỗi loại cà phê tại Việt Nam đều mang một nét đặc trưng riêng của mỗi vùng miền.
Người Việt thích pha cà phê bằng phin, khi dòng nước nóng đi qua bột cà, từng giọt cà phê đậm màu nhỏ tí tách xuống khiến lòng bình yên. Kiên nhẫn chờ từng chút, từng chút, cốc cà phê không chỉ chứa hương vị thơm tự nhiên, đắng nhẹ nhưng đủ gây thương nhớ của cà phê được kết tinh với sự đợi chờ.
Người Việt Nam thường dùng là Robusta với hàm lượng caffeine tương đối cao được rang đậm, để thưởng thức được hương vị nồng nàn mạnh mẽ nhất của cà phê.
Chính vì vậy cà phê có nhiều vị đắng, quyện thêm sự ngọt béo của sữa đặc tạo nên đủ thứ đắng, ngọt như chính cuộc đời mỗi người, tạo nên hương vị hấp dẫn khó quên. Đã chinh phục được bạn bè trên khắp thế giới.
Chúng ta nhâm nhi ly cà phê từ từ, nhấm nháp chút đắng đầu lưỡi rồi trôi tuột xuống cổ họng. Mỗi một ngụm cà phê là một câu chuyện được sẻ chia với người bạn, người đồng hành.
Ly cà phê phin đơn giản, dễ tìm kiếm được bày bán trên quán cóc vỉa hè chẳng có gì ngoài bộ bàn ghế nhựa giản đơn nhưng lại được rất nhiều người yêu thích.
Mọi người bình thản trở về với vẻ ngoài nguyên thủy, không khoác lên chiếc mặt nạ lịch thiệp nặng nề, tự do với bản ngã của mình bên ly cà phê đắng thơm.
Lịch sử hạt cà phê ở Việt Nam
Trước khi thực dân Pháp đến xâm lược, thức uống cơ bản của người Việt là nước vối ở miền Bắc hoặc chè xanh ở miền Nam.
Từ cuối thế kỉ 19, người Pháp đã xây dựng các đô thị kiểu châu Âu như Sài Gòn hay Hà Nội với trường học, bệnh viện, xe lửa, nhà máy.
Cây cà phê được các nhà truyền giáo người Pháp (Société des Missions Etrangères de Paris – Hội truyền giáo quốc tế Paris) đưa vào Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1857, nhưng những đồn điền cà phê đầu tiên chỉ được thành lập vào năm 1888 tại các tỉnh Ninh Bình và Quảng Bình.
Khoảng những năm 1920, người Pháp đã quyết định mở rộng quy mô bằng cách trồng cà phê ở Tây Nguyên, chủ yếu ở tỉnh Đắk Lắk. Sản lượng xuất khẩu cà phê Việt Nam năm 1930 đạt khoảng 1,500 tấn.
Chính vì những điều này, quan điểm Pháp mang cà phê đến Việt Nam trở nên đáng tin và phổ biến.
Chúng ta đều cho rằng người Pháp dạy người Việt cách trồng, pha chế, uống cà phê. Tuy nhiên cách pha chế bằng phin của người Việt khác với cách pha bằng piston của Pháp gọi là French press.
Các giả thuyết khác về nguồn cội văn hóa cà phê tại Việt Nam
Về cơ bản, phin cà phê Việt được cho là giống với phin của người Ấn (Indian filter coffee hoặc filter kaapi, filter là cái lọc) với cấu tạo gồm 2 khối hình trụ kim loại đặt lên với nhau.
Khối bên trên chứa bột cà phê, có các lỗ thủng nhỏ để sau khi đổ nước nóng vào thì nước và cà phê đã được chiết xuất chảy xuống khối bên dưới.
Sự khác biệt là người Việt đã chế ra cái đế rộng của khối trụ thứ nhất và thay khối thứ hai bằng cái cốc, nhằm mục đích cho nước cà phê chảy trực tiếp vào cốc.
Dưới góc nhìn chủ quan, người viết cho rằng văn hóa cà phê Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi Ấn Độ. Những cộng đồng thương nhân người Ấn đã tới Sài Gòn từ năm 1870 cho tới đầu thế kỉ 20 đã mang “văn hóa cà phê” tới Sài Gòn và ảnh hưởng tới cư dân bản địa.
Họ thường làm ăn sinh sống khu vực quanh chợ Bến Thành, khoảng năm 1898 theo thống kê đã có khoảng 1.000 người Ấn (tục gọi là người Chà) ở Sài Gòn.
Như vậy, chúng ta đã thấy sự hiện diện của người Ấn tại Sài Gòn từ những năm cuối thế kỷ 19. Thêm vào đó, sự tương đồng giữa cách thưởng thức cà phê của người Việt và người Ấn khiến chúng ta có thể tin rằng văn hóa cà phê Việt chịu ảnh hưởng của Ấn.
Điều quan trọng nhất là văn hóa cà phê Việt Nam vẫn giữ được cái thơm của cà phê nguyên chất và cái hồn của dân tộc. Vừa qua, cà phê sữa đá Việt Nam được bình chọn là một trong những thức uống phổ biến nhất trên toàn cầu. Đó là một niềm tự hào vô cùng to lớn đối với những người con yêu cà phê và yêu nước.